Nhà đất Hóc Môn đang tăng giá ảo, phải chăng là có vấn đề?
Còn theo chị Nguyễn Ngọc Nga, đại diện một sàn môi giới tại Hóc Môn, tuy nhu cầu mua đất ở Hóc Môn có tăng thật nhờ vào các quy hoạch hạ tầng giao thông ăn theo
Dù mới trong giai đoạn xem xét quy hoạch lên quận nhưng giá nhà đất tại huyện Hóc Môn đã rục rịch tăng từ 10-20% so với quý III/2016. Tốc độ tăng này khiến nhiều người nghi ngại liệu thị trường có đang tăng giá ảo?
Tăng giá bất thường
Cùng với thông tin có thể được quy hoạch lên quận, việc một đại gia trong ngành dự tính sẽ triển khai khu đô thị kiểu mẫu tại vị trí giáp ranh quận 12 và Hóc Môn đã khiến giá đất sang nhượng một số dự án gần đó chênh lên 3 -4 triệu/m2. Đất tại khu vực Xuân Thới Thượng, Bà Điểm vốn được quan tâm nhiều nhất tăng từ 4 – 5.5 triệu/m2 lên đến 6 – 7.5 triệu/m2. Một vài mảnh đất nằm trong các tuyến đường nhỏ gần Nguyễn Văn Bứa, Phan Văn Hớn giá tăng từ 3,5 triệu/m2 lên 4,5 triệu/m2 chỉ sau 1 tháng. Thậm chí đất ruộng, đất nông nghiệp cũng rục rịch tăng từ 300 nghìn đến 800 nghìn/m2. Những địa bàn vốn xa trung tâm hơn như Nhị Bình, Xuân Thới Sơn, Tân Hiệp, giá đất cũng tăng từ 10 -15%. Nhiều mảnh đất tăng từ 1,5 – 4 triệu/m2 lên 1,8 – 5 triệu/m2 tùy khu vực.
Không chỉ Hóc Môn, đất ở một số dự án đã được quy hoạch tại Củ Chi cũng được thế tăng giá theo. Nhiều mẫu đất thuộc khu vực Bình Mỹ có giá tăng từ 7 -10%, khu vực Tỉnh lộ 8, Ấp Chợ, Võ Văn Bích, Hà Duy Phiên giá cũng tăng từ 5 -7%, riêng đất gần tuyến đường Xuyên Á giáp Hóc Môn, kết nối trực tiếp về trung tâm Tp.HCM giá tăng đến 15%.
Đất thổ cư nằm gần các khu dân cư hiện hữu, những dự án được quy hoạch có giá bán biến động khá mạnh. Trung bình giá bán đã nhỉnh hơn thời điểm giữa năm 2016 từ 2 – 3 triệu/m2. Bà Phạm Thị Nguyệt- một người dân sống tại khu Nhị Bình cho biết, một mảnh đất gần nhà bà mới 2 tuần trước còn bán giá 3,5 triệu/m2 nay chủ đất đã tăng lên gần 4 triệu/m2. Chủ một vài khu đất quanh đó thấy thế cũng đồng loạt tăng theo từ 300 – 500 nghìn đồng/m2.
Bên cạnh một số khu vực có dấu hiệu tăng giá thực, không ít khu đất bị “thổi” giá tăng ảo theo thị trường. Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, hiện tượng tăng giá chủ yếu diễn ra trong phạm vi các giao dịch lớn, giao dịch chuyển nhượng đất giữa các doanh nghiệp. Xu hướng tăng giá diện rộng gần đây chỉ ghi nhận ở mức giá chào bán, chủ yếu do người bán tự động thổi giá. Biểu hiện rõ nhất là nhu cầu mua thực có phần chựng lại khá nhiều từ khi có tin giá đất tăng. Người mua thật chưa mặn mà lắm với thị phần nhà đất tại Hóc Môn do hạ tầng, vị trí và tiện ích sống chưa đủ hấp dẫn. Một nhà đầu tư tại Sài Gòn cho biết, anh chưa muốn rót tiền vào khu Tây do hạ tầng nhiều khu vực còn kém, đường bê tông còn chưa có, lối đi lầy lội, thiếu các tiện ích dịch vụ và xa trung tâm nhưng môi giới lại đưa giá cao.
“Nếu nói về đầu tư, để khu Tây theo kịp tốc độ hạ tầng như khu Đông sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Các hệ thống hạ tầng vẫn chưa đi vào hiện thực, vậy nên còn quá sớm để thổi phồng về sức hấp dẫn của thị trường khu Tây”, vị này cho biết.
Ông Đỗ Xuân Vinh, một môi giới lâu năm tại khu vực Bà Điểm cho hay, không thiếu trường hợp người bán tự làm giá, tăng giá ảo ăn theo thị trường. “Vài ngày gần đây, nhiều khách hàng phía Bắc đến địa bàn xem đất, giới cò đất cũng được thể “té nước theo mưa”, ăn theo động thái này tạo nên cơn sốt giá ảo. Giao dịch phần nhiều là do dân đầu tư mua đi bán lại, giới cò đất quần tụ san hàng, lướt sóng. Vì vậy mới có chuyện giá đất tăng nhanh như thế, đất vườn, đất ruộng cũng được đưa ra giới thiệu để bán dù lượng khách mua thực không tăng mạnh là bao”, ông Vinh chia sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Ngọc Nga, đại diện một sàn môi giới tại Hóc Môn, tuy nhu cầu mua đất ở Hóc Môn có tăng thật nhờ vào các quy hoạch hạ tầng giao thông ăn theo tuyến Metro, nhưng chủ yếu là hoạt động sang nhượng đất giữa các ông lớn. Nhu cầu của người mua thực không đủ mạnh để tạo thành làn sóng tăng giá “nóng” như hiện nay. Minh chứng rõ nhất là khá ít trường hợp ghi nhận tăng giá từ giao dịch thành công.
“Hiện khá nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội đổ về tìm mua đất giá rẻ tại khu vực Hóc Môn – Củ Chi. Sản phẩm họ tìm mua đều là những nền đất lớn, diện tích tối thiểu cũng 1000m2 trở lên, giá bán có tăng nhưng mức tăng chấp nhận được và chỉ từ 500 nghìn đến 1,5 triệu/m2, nếu tăng cao hơn thì đa phần là tăng ảo. Riêng các sản phẩm nhà đất được khách ký gửi ở sàn của tôi thì hầu hết không có điều chỉnh giá bán. Thực tế nếu hiện giờ mà tăng mạnh thì chỉ càng khó bán hơn”, chị Nga tiết lộ.
Thực tế, tiềm năng phát triển ở thị trường nhà đất khu Tây Bắc rất rộng mở. Trong năm nay, giá đất khu vực này có thể sẽ tăng thêm với biên độ từ 10 -15% nhờ quy hoạch phát triển khá bài bản về đường xá, hạ tầng “ăn theo” tuyến Metro số 2 nối Bến Thành – Tham Lương. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, người mua nhà, giới đầu tư nên thận trọng suy xét, lựa chọn sản phẩm phù hợp để tránh rơi vào chiếc “bẫy” giá phổ biến trên thị trường hiện nay.
Phương Uyên
Leave a Reply